Rau diếp cá - Vị thuốc quý ngay trong vườn nhà
Không chỉ là một rau sống ăn kèm, rau diếp cá còn là một thảo dược quý ngay trong vườn nhà bạn. Các nhà khoa học đã tìm thấy các công dụng của nó với sức khỏe như: trị mụn, tăng cường miễn dịch, cải thiện hô hấp… Vậy cụ thể tác dụng của rau diếp cá là gì? Sử dụng như nào để có hiệu quả? Cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé.
1. Đặc điểm của rau diếp cá
Diếp cá là loại rau rất quen thuộc, thường được gọi với nhiều tên khác nhau như cây lá giấp, dấp cá, ngư tinh thảo, rau vẹn…
1.1. Rau diếp cá là gì?
Rau diếp cá có tên khoa học là Houttuynia cordata, thuộc họ lá Giấp Saururaceae. Bạn có thể nhận biết loại cây này thông qua các đặc điểm sau:
- Cây thân thảo, mọc lâu năm, chỉ cao khoảng từ 20 - 40cm, ưa chỗ ẩm ướt có thân rễ mọc ngầm dưới đất. Thân có lông hoặc ít lông, màu lục hoặc tím đỏ. Toàn cây vò có mùi tanh như mùi cá.
- Lá đơn, mọc cách, hình tim, dài khoảng 6 - 7cm, đầu lá nhọn.
- Hoa diếp cá nhỏ màu vàng nhạt, mọc thành từng bông. Có 4 lá bắc màu trắng nên trông bề ngoài cụm hoa và lá bắc như một cây hoa đơn độc. Mùa hoa là mùa hè khoảng tháng 5 tới tháng 7 hàng năm.
- Quả nang nhỏ, chứa hạt hình trái xoan và nhẵn. Mùa quả là tháng 8 - 10.
Cây thường mọc hoang ở những nơi ẩm thấp như ven suối, ven rừng, bờ mương, lề ruộng… Tuy nhiên hiện nay, nó được đưa về trồng ở vườn nhà để làm thực phẩm cũng như làm thuốc. Có thể tìm thấy loại thảo dược này ở nhiều nước như khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Nhân dân thường hái loại rau này để ăn kèm với các món ăn hoặc xay thành nước uống để giải nhiệt. Đối với nhiều người, loại rau này có mùi tanh khá khó chịu và không dễ ăn nhưng nó lại có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
1.2. Dược liệu diếp cá
Theo quan điểm của Y học cổ truyền thì loại rau này có vị chua, hơi cay, mùi tanh, tính mát, hơi độc, quy vào kinh phế. Dược liệu có tác dụng tán nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng nên thường được nhân dân sử dụng để trị các chứng ho, mụn nhọt, tiểu buốt, tiểu rắt, trĩ, táo bón...
Toàn cây diếp cá trừ rễ đều có thể sử dụng, dùng tươi, phơi hay sấy khô đều được. Có thể sử dụng theo nhiều cách khác nhau như ăn sống, giã lấy nước uống, pha trà...
1.3. Thành phần hóa học
Toàn cây rau này có chứa tinh dầu với thành phần chủ yếu là metylnonylxeton (chất có mùi khó chịu). Ngoài ra, còn có 3 - oxododecanal (chất có tác dụng kháng khuẩn), các aldehyd, terpene như myrcen, limonene, linalool…
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm được trong loại thảo dược này hợp chất:
- Alcaloid cordalin
- Các flavonoid: quercetin, isoquercetin, rutin…
- Acid hữu cơ: Acid lauric, capric, decanoic…
- Khoáng chất: Ca, Ka, Mg…
- Vitamin K
2. Tác dụng của rau diếp cá
Mặc dù là một loại rau khá quen thuộc và được dân gian sử dụng nhiều để chữa bệnh nhưng nhiều người vẫn không hiểu hết những tác dụng của loại rau này đối với sức khỏe. Một số công dụng nổi bật của loại thảo dược này dưới đây có thể làm bạn bất ngờ đó.
2.1. Hỗ trợ điều trị ho
Rau diếp cá ở dạng tươi hay khô đều có tác dụng hỗ trợ điều trị ho rất tốt. Hoạt chất 3 - oxododecanal cùng một vài thành phần khác có trong loại rau này có khả năng ức chế hoạt động và phát triển của các loại virus cảm cúm, phế cầu khuẩn cùng một số chủng vi khuẩn khác gây bệnh mũi họng ở người.
Các nghiên cứu cho thấy dịch chiết xuất từ loại cây này có tác dụng giảm ho, làm loãng đờm, giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu, đau rát cổ họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi ở cả trẻ em và người lớn. Ngoài ra, nước sắc rau diếp cá còn có tác dụng tốt với áp xe phổi.
2.2. Hỗ trợ trị mụn nhọt, làm đẹp da
Sử dụng rau diếp cá để trị mụn, làm đẹp da là cách được khá nhiều chị em tin tưởng và lựa chọn. Thảo dược có tính mát, khả năng giải độc cùng với các thành phần chống oxy hóa, kháng viêm tự nhiên có trong cây giúp cải thiện sức khỏe làn da, làm mờ vết thâm, chữa lành mụn trứng cá, vảy nến, chàm...
Dùng lá của loại rau này đem rửa sạch, giã nát, thêm chút muối hạt rồi đắp lên chỗ bị mụn. Nhớ rửa sạch mặt trước khi thực hiện bạn nhé.
Ngoài ra, bạn có thể kết hợp với ăn diếp cá hoặc xay lấy nước uống giúp thải độc và làm mát từ bên trong, hạn chế tình trạng mụn, chống lão hóa da.
2.3. Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ
Bệnh trĩ, lòi dom gây ra nhiều phiền toái, đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Diếp cá với những công dụng kháng viêm, tiêu sưng, sát trùng… có thể giúp tình trạng bệnh được cải thiện.
Dùng 6 - 12g dược liệu khô sắc lấy nước uống đồng thời nấu nước rau diếp cá để xông, ngâm, rồi rửa khi còn ấm. Bã có thể dùng để đắp vào vùng hậu môn.
2.4. Trị đau mắt đỏ
Theo kinh nghiệm dân gian, rau diếp cá có thể sử dụng trong những trường hợp bị tụ máu như đau mắt đỏ.
Cách thực hiện: Lấy khoảng 10 lá diếp cá, rửa sạch, đem giã nhỏ sau đó dùng gói vào trong vải mỏng hoặc gạc đắp lên mắt khi ngủ. Làm như vậy khoảng 2 - 3 lần sẽ thấy hiệu nghiệm.
2.5. Kiểm soát cân nặng
Sử dụng rau diếp cá có thể giúp bạn giảm cân, kiểm soát cân nặng. Các thành phần có trong loại thảo dược này không những có lợi cho hệ tiêu hóa mà còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng và loại bỏ mỡ thừa.
Hàm lượng chất xơ trong loại rau này mang lại cảm giác no lâu, đẩy lùi cơn thèm ăn từ đó hạn chế năng lượng thừa nạp vào cơ thể. Có rất nhiều cách dùng loại rau này để giảm cân như ăn sống, xay sinh tố, chế biến thành món ăn như salad hay gỏi…
2.6. Trị kinh nguyệt không đều
Trong cuốn Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, rau diếp cá được xếp vào nhóm cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh phụ nữ. Loại thảo dược này tốt cho máu, tăng cường lưu thông khí huyết nên có tác dụng điều hòa kinh nguyệt.
Bài thuốc: 40g diếp cá, 30g ngải cứu rửa sạch, giã nhỏ thêm nước đun sôi để nguội rồi lọc lấy nước uống 2 lần/ ngày, dùng liên tục trong 5 ngày. Thời gian tốt nhất để sử dụng là trước kỳ kinh nguyệt 10 ngày.
2.7. Hạ sốt ở trẻ em
Nước cốt rau diếp cá là bài thuốc hạ sốt nhanh chóng dành cho trẻ em. Bố mẹ có thể sử dụng thêm lá nhọ nồi, lá hương trà và đường để giảm đi mùi vị khó chịu để trẻ dễ uống hơn.
Mỗi ngày 20g diếp cá rửa sạch, vắt lấy nước cốt, uống đến khi hết sốt.
2.8. Tắc tia sữa
Một tác dụng có lợi khác của loại rau này đối với phụ nữ đó là giảm sưng, thông tắc tia sữa, kháng khuẩn và phòng ngừa viêm nhiễm.
Bài thuốc: Diếp cá khô 20g, táo đỏ 10 quả sắc với 600ml nước cho đến khi còn khoảng 200ml, chia làm 3 lần, uống trong ngày.
2.9. Táo bón
Rau diếp cá có thể tác dụng tích cực trong việc cân bằng sức khỏe đường ruột, hỗ trợ phòng ngừa và điều trị tốt chứng táo bón. Lượng chất xơ có trong loại thảo dược này có thể giúp phân mềm hơn và dễ dàng đào thải ra ngoài.
Bạn có thể ăn sống hàng ngày, làm sinh tố hoặc sao khô rồi pha trà uống đều có tác dụng.
3. Cách sử dụng rau diếp cá chữa ho
Có rất nhiều cách sử dụng rau diếp cá để trị ho, trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu cho bạn đọc một vài phương pháp thông dụng và dễ thực hiện nhất.
3.1. Rau diếp cá kết hợp với nước vo gạo giúp trị ho hiệu quả
Chuẩn bị: 1 nắm rau diếp cá cùng 1 bát nước vo gạo.
Cách làm:
- Rau diếp cá rửa sạch và ngâm trong nước muối khoảng 15 - 30 phút rồi vớt ra để ráo.
- Cho rau vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi lọc qua rây để lấy nước.
- Hòa nước diếp cá và nước vo gạo với nhau, đun sôi hỗn hợp trong 10 phút.
Uống hỗn hợp này sau khi ăn khoảng 1 giờ, ngày 1 - 2 lần trong vòng 2 - 3 ngày sẽ giúp giảm bớt cơn ho và cảm giác đau rát cổ họng.
3.2. Chữa ho bằng rau diếp cá và mật ong
Nguyên liệu cần chuẩn bị bao gồm 1 nắm rau diếp cá và 1 - 2 thìa mật ong.
Cách làm:
- Rau diếp cá rửa sạch, ngâm với nước muối loãng trong khoảng 15 - 30 phút rồi vớt ra để ráo.
- Xay nhuyễn diếp cá cùng với 1 ít nước sau đó lọc bỏ bã thu lấy nước cốt.
- Thêm mật ong vào phần nước trên và sử dụng.
Nên uống 2 lần/ ngày, dùng liên tục trong vài ngày sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện rõ rệt. Nếu không muốn sử dụng mật ong bạn có thể uống nước cốt diếp cá không cũng có tác dụng trị ho tốt.
4. Lưu ý khi sử dụng rau diếp cá
Mặc dù có tác dụng tốt đối với sức khỏe nhưng khi sử dụng loại thảo dược này bạn nên lưu ý một số điều sau đây để đạt được hiệu quả mong muốn:
- Liều lượng sử dụng phù hợp là khoảng 6 - 12g diếp cá khô hoặc 20 - 40g dạng tươi một ngày. Không nên quá lạm dụng loại thảo dược này.
- Sử dụng quá liều có thể gây, chóng mặt, buồn nôn, dễ khiến cơ thể bị nhiễm lạnh, đặc biệt là vào mùa đông do loại thảo dược này có tính mát, hàn. Những người cơ địa hàn không nên sử dụng vì dễ gây đau bụng.
- Rửa sạch rau và ngâm với nước muối trước khi dùng, để đảm bảo vệ sinh, tránh bị nhiễm bẩn, nhiễm ký sinh trùng đặc biệt là giun sán vì loại rau này thường mọc ở những nơi ẩm thấp.
- Không nên uống nước rau diếp cá khi bụng đang đói bởi nó sẽ gây cảm giác nôn nao, cồn ruột.
- Mẹo chữa bệnh bằng rau diếp cá thường được áp dụng với các tình trạng bệnh nhẹ hoặc chỉ giúp cải thiện triệu chứng. Đôi khi, bạn vẫn cần phải kết hợp với việc sử dụng thuốc.
5. Uống rau diếp cá mỗi ngày có tốt không?
Mặc dù có rất nhiều tác dụng tốt đối với cơ thể nhưng không vì thế mà bạn lạm dụng loại thảo dược này. Bạn có thể uống rau diếp cá mỗi ngày, đảm bảo đúng liều lượng, vệ sinh sẽ cho hiệu quả tốt.
Như đã nói ở trên một người chỉ nên sử dụng 6 - 12g diếp cá khô hoặc 20 - 40g dạng tươi trong một ngày. Các dạng sản phẩm khác như bột hay viên uống cần tính liều tương đương.
Hy vọng với những thông tin trên bạn đọc đã hiểu hơn về rau diếp cá cũng như những công dụng tuyệt vời của nó với sức khỏe. Hy vọng thông qua viết các bạn sẽ có những kiến thức mới cho bản thân. Hãy like và chia sẻ bài viết cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào hãy liên hệ ngay với chúng tôi qua hotline 0867 995 518 để được Thiên Tri tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.