Ngứa cổ họng - Triệu chứng nhỏ nhưng không thể coi thường!
Ngứa cổ họng không những gây khó chịu cho người mắc mà còn rất khó điều trị vì nguyên nhân gây bệnh rất phức tạp. Biết được những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn tránh xa chứng bệnh này.
1. Nguyên nhân gây ngứa cổ họng
Ngứa cổ họng là một dấu hiệu rất hay gặp ở những người bị viêm mũi dị ứng theo mùa và các dị ứng khác, thậm chí có thể là dấu hiệu sớm của nhiễm vi khuẩn hoặc virus.
Cảm giác ngứa ở cổ họng có thể được gây ra bởi một loạt các yếu tố. Nguyên nhân của triệu chứng này thường bao gồm:
1.1. Viêm mũi dị ứng
Hay còn được gọi là “sốt cỏ khô”, viêm mũi dị ứng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ngứa cổ họng. Có đến 40 - 60 triệu người Mỹ bị ảnh hưởng bởi nó.
Viêm mũi dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với một tác nhân dị ứng và giải phóng ra histamin - một chất trung gian hóa học gây ra những phản ứng quá mẫn của cơ thể.
Các tác nhân phổ biến gây viêm mũi dị ứng bao gồm mạt nhà, phấn hoa, bụi và các chất kích thích như khói thải hoặc khói thuốc lá.
1.2. Dị ứng thực phẩm
Xảy ra khi cơ thể chúng ta phản ứng với một số thực phẩm mà chúng ta ăn. Phản ứng thường diễn ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ ngay sau khi chúng ta tiêu thụ loại thực phẩm đó.
Dị ứng ở thể nhẹ với các triệu chứng như ngứa cổ họng hoặc miệng. Tuy nhiên, một số sốc phản vệ mạnh có thể gây co thắt khí phế quản và đe dọa tính mạng.
Các loại thực phẩm hay gây dị ứng ở người là đậu phộng, sữa và lúa mì, động vật có lớp vỏ, trứng.
1.3. Dị ứng thuốc
Rất nhiều người bị dị ứng thuốc, một vài loại thuốc hay gây dị ứng như penicillin và các loại kháng sinh khác. Các triệu chứng dị ứng thuốc có thể bao gồm ngứa cổ họng và phản ứng dị ứng sẽ diễn ra ngay sau khi dùng thuốc.
1.4. Nhiễm khuẩn và virus cấp tính
Viêm họng hoặc viêm amidan có thể bắt đầu bằng triệu chứng ngứa ở cổ họng trước khi tiến triển thành một bệnh lý nặng hơn. Ngoài ra, bệnh cảm lạnh thông thường hay nhiễm cúm do virus cũng hay bị ngứa cổ họng.
Ngoài cảm giác ngứa ở cổ họng, bạn cũng có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Nếu ốm do cảm lạnh, bạn sẽ cảm thấy cơ thể mình uể oải nhẹ.
- Nếu bị nhiễm cúm, bạn thường ngứa cổ họng kèm theo đau mỏi cơ, sốt, yếu người, ho, tức ngực, nghẹt mũi, nhức đầu, mệt mỏi nhiều…
1.5. Nhiễm trùng mạn tính
Với bệnh viêm mũi xoang mạn tính, dịch viêm ở vùng mũi xoang có thể chảy về phía cửa mũi sau và chảy xuống thành họng, làm người bệnh luôn có cảm giác ngứa vùng cổ, muốn tằng hắng và ho.
Chẩn đoán dưới sự hỗ trợ của CT scan và nội soi, các bác sĩ dễ dàng nhận định vị trí xoang mũi bị viêm và có hướng điều trị phù hợp.
Tương tự, viêm amidan mạn tính với bề mặt amidan chứa nhiều hốc bã đậu, thậm chí sỏi amidan cũn gây ngứa ở vùng cổ họng. Bởi nơi đây tích tụ nhiều vi khuẩn, cũng như sỏi và bã đậu, gây cảm giác ngứa, cộm, rất khó chịu trong cổ họng.
1.6. Mất nước
Tình trạng này xảy ra khi cơ thể mất một lượng nước nhiều hơn mức cơ thể cho phép. Hay gặp khi bạn bị bệnh, ở trong thời tiết nóng hoặc sau khi tập thể dục.
Mất nước gây ra khô miệng, một tình trạng tạm thời khi miệng cũng như cổ họng không có đủ nước bọt. Điều này có thể gây ra kích thích và có cảm giác ngứa ở cổ họng.
1.7. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc gây ra tình trạng ho khan và ngứa họng mà không phải do phản ứng dị ứng.
Những người dùng thuốc ức chế men chuyển để điều trị bệnh tăng huyết áp cần biết rằng thuốc ức chế men chuyển có thể gây ngứa họng và ho khan.
1.8. Trào ngược acid
Hay còn gọi là chứng ợ nóng. Một số người bị trào ngược dạ dày - thực quản lâu năm hay gặp các vấn đề về cổ họng. Do acid từ dạ dày trào lên làm tổn thương niêm mạc ở cổ họng.
Ngứa hoặc đau họng không phải là triệu chứng duy nhất của bệnh nhân trào ngược. Tuy nhiên, một số người có tình trạng trào ngược acid khá ít triệu chứng và bệnh nhân chỉ có thể nhận ra bệnh của mình khi vùng cổ họng ngứa ngáy kéo dài.
2. Các cách trị ngứa cổ họng tại nhà
Tùy theo nguyên nhân gây ngứa mà có biện pháp điều trị triệu chứng này cũng khác nhau. Thường sau khi xác định và loại bỏ nguyên nhân gây ngứa thì tình trạng này sẽ kết chấm dứt.
Tuy nhiên, có một số biện pháp đã được thử nghiệm và có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp ngứa cổ họng, bao gồm:
- Sử dụng một thìa mật ong để tráng qua cổ họng đang ngứa.
- Súc họng thường xuyên bằng nước muối.
- Sử dụng các loại thuốc ho hoặc viên ngậm giảm ngứa.
- Dùng thuốc xịt mũi để giảm viêm, giảm kích ứng.
- Uống vài tách trà nóng pha với chanh và mật ong
- Việc sử dụng thuốc chống dị ứng không kê đơn có thể làm giảm ngứa họng do dị ứng.
- Đối với cảm lạnh thông thường thì một vài liều thuốc cảm lạnh không kê đơn có thể giúp bạn.
3. Phòng ngừa tình trạng ngứa cổ họng
Hầu hết mọi người có thể giảm nguy cơ bị ngứa cổ họng khi thực hiện các việc sau:
- Xác định những yếu tố dị ứng như thuốc, thực phẩm, phấn hoa,... và hạn chế tiếp xúc.
- Bỏ hút thuốc lá, tránh những nơi nhiều khói bụi độc hại.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Hạn chế uống nước lạnh hay ăn đồ lạnh.
- Tránh cà phê, rượu, cũng như các chất kích thích khác.
- Rửa tay thường xuyên trong mùa lạnh và mùa cúm, nhất là sau khi ra ngoài, tới nơi đông người.
- Tránh đi ra ngoài và mở cửa sổ trong mùa dị ứng (phấn hoa)
4. Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu triệu chứng ngứa cổ họng kéo dài hơn 10 ngày, trở nên tồi tệ hoặc không có dấu hiệu cải thiện với các biện pháp tự chăm sóc tại nhà.
Mọi người lưu ý, cần đi khám bác sĩ ngay lập tức trong trường hợp cổ họng bị ngứa kèm một hoặc nhiều triệu chứng sau đây:
- Sốt
- Khó thở, thở khò khè.
- Khó nuốt
- Sưng mặt
- Nổi mẩn đỏ, phát ban (mề đay).
- Đau họng nghiêm trọng.
Ngứa cổ họng thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn không tự xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này, bạn cần đi khám để được các chuyên gia tư vấn về thuốc và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Trên đây là những thông tin hữu ích về ngứa cổ họng mà chúng tôi muốn gửi tới bạn. Nếu thấy bài viết hay, bạn đừng quên like, cũng như chia sẻ để nhiều người cùng biết.
Mọi câu của bạn liên quan đến sản phẩm của Thiên Tri vui lòng gọi điện ngay đến hotline 0867 995 518 để được tư vấn.