Tổng hợp những kiến thức hữu ích về bệnh hen suyễn

Hen suyễn là bệnh lý hô hấp phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh gây biến chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân gây bệnh hen suyễn là gì, khi nào chúng ta cần đi khám và bệnh này có thể chữa khỏi được không? Hãy cùng Thiên Tri tìm hiểu qua bài viết sau.

Mục lục [ Ẩn ]
Hen suyễn
Hen suyễn

1. Hen suyễn là bệnh gì?

Hen suyễn hay còn được gọi là hen phế quản, có tên tiếng Anh là Asthma. 

Đây là bệnh viêm niêm mạc phế quản mãn tính. Khi khi gặp các chất kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp, niêm mạc phế quản sẽ bị viêm, trở nên dễ bị co thắt và sưng phù, từ đó gây ra triệu chứng nặng ngực, ho, khò khè và khó thở.

Theo thông tin từ WHO - Tổ chức Y tế Thế giới, số ca bệnh hen suyễn có xu hướng ngày càng gia tăng. Tại Mỹ, năm 1964 tỷ lệ người mắc căn bệnh này là 183/100.000 dân, tuy nhiên đến năm 1983 thì con số này đã tăng lên là 284/100.000 dân.

Bệnh cũng tăng mạnh ở các quốc gia khác như Pháp, Áo, Phần Lan,… Ước tính hiện nay, thế giới có khoảng gần 400 triệu người đang mắc bệnh hen suyễn.

Ở Việt Nam có khoảng hơn 4 triệu người mắc bệnh này, chiếm từ 2 - 6% dân số nói chung. Có từ 8 - 10% trẻ em mắc bệnh hen trong đó bệnh nhân ở độ tuổi 12 - 13 có tỷ lệ cao nhất châu Á với gần 30% và đang có xu hướng gia tăng. 

2. Triệu chứng hen suyễn

Người mắc bệnh hen suyễn thường có những triệu chứng đặc trưng như:

  • Ho và khó thở khi gặp tác nhân mà cơ thể bị dị ứng, có thể là lông thú, hải sản, phấn hoa,...
  • Có cơn khò khè tái đi tái lại.
  • Ho nhiềuvà có xu hướng tăng sau khi tập thể dục, hoạt động quá sức hoặc vào ban đêm, lúc gần sáng.
  • Khó thở khi thay đổi thời tiết với mức độ tăng dần theo thời gian. Mỗi cơn khó thở kéo dài từ 5 - 10 phút, cho đến hàng giờ, hàng ngày. Sau đó giảm dần, người bệnh kết thúc bằng một trận ho, kèm khạc đờm.
  • Tiếng thở rít với âm sắc cao khi thở ra.

Các dấu hiệu nặng khi về đêm khiến người bệnh ngủ không ngon giấc. Bên cạnh đó, một số tác động từ bên ngoài cũng khiến bệnh trở nặng như:

  • Nhiễm virus
  • Gắng sức khi làm việc
  • Thay đổi cảm xúc mạnh như cười, hét to.
  • Thay đổi nhiệt độ, cũng như môi trường sống.
  • ...
Phấn hoa là tăng cơn hen
Phấn hoa là tăng cơn hen

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh hen suyễn

Không giống các bệnh nhiễm trùng hô hấp khác như lao, viêm phế quản, viêm phổi,… có thể lây từ người bệnh sang người lành qua giọt bắn chứa virus, vi khuẩn gây bệnh, hen phế quản không phải là bệnh lây nhiễm.

Do vậy, những tiếp xúc thông thường giữa người lành và người bệnh sẽ không có nguy cơ bị lây nhiễm. 

Nguyên nhân gây ra hen phế quản vẫn chưa được xác định chính xác, nhưng các cơn hen có thể là kết quả phối hợp của nhiều yếu tố nguy cơ, bao gồm yếu tố bản thân và yếu tố môi trường.

Các chuyên gia cho rằng các nhóm đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao:

  • Gia đình có tiền sử mắc bệnh: Nếu bố hoặc mẹ không có tiền sử mắc bệnh thì tỷ lệ trẻ bị hen suyễn rất thấp (chỉ khoảng 10%). Nguy cơ này tăng lên 25% nếu trẻ có bố hoặc mẹ bị bệnh, và tăng đến 50% nếu cả bố lẫn mẹ đều bị hen.
  • Cơ địa dị ứng: Người đang bị mề đay, chàm, viêm mũi dị ứng,... có nguy cơ cao mắc các bệnh dị ứng khác trong đó có hen phế quản.
  • Người thừa cân, béo phì.
  • Trẻ nhỏ có tiền sử nhiễm khuẩn đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần. Đặc biệt là các bé mắc bệnh viêm tiểu phế quản.
  • Người hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc một cách thụ động.
  • Mẹ hút thuốc lá khi đang có thai.
  • Bé sinh non (trước 37 tuần) hoặc cân nặng sơ sinh thấp.

4. Biến chứng của hen suyễn

Hen suyễn là bệnh phổ biến nhưng chưa được quan tâm đúng mức khiến bệnh tiến triển trầm trọng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Tâm phế mãn tính, khí phế thũng: Hay xảy ra với người mắc hen phế quản thể nặng. 
  • Suy hô hấp mạn tính, gây biến dạng lồng ngực.
  • Ngừng hô hấp có kèm theo các tổn thương ở não.
  • Xẹp phổi: Hay gặp ở trẻ em (chiếm khoảng 30%).
  • Tràn khí màng phổi: Gặp ở 5% bệnh nhân hen suyễn, tràn khí màng phổi hai bên có nguy cơ gây tử vong rất cao.
  • Biến chứng của điều trị: Hội chứng giả cushing do dùng corticoid kéo dài.
Bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm
Bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm

5. Phương pháp chẩn đoán bệnh hen suyễn

Việc chẩn đoán và điều trị bệnh suyễn thường chậm trễ vì triệu chứng bệnh đôi khi không rõ ràng, khó phát hiện.

Nếu có các triệu chứng như đã kể trên, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và chẩn đoán bệnh chính xác. Các bước tiến hành chẩn đoán bệnh hen suyễn, bao gồm:

  • Khai thác bệnh sử và tiền sử gia đình: Thời điểm và cách khởi phát các triệu chứng hô hấp; tiền sử mắc các bệnh dị ứng như chàm, viêm mũi dị ứng,...
  • Khám thực thể: Nghe phổi phát hiện tiếng ran ngáy, ran rít khi thở ra hoặc các dấu hiệu đi kèm như viêm mũi dị ứng hoặc polyp mũi.
  • Đo chức năng hô hấp để xác định giới hạn dao động của luồng khí thở ra.

Một số xét nghiệm đi kèm khác như:

  • Kiểm tra kích thích phế quản: Giúp đánh giá sự tăng tính phản ứng của đường thở. Các tác nhân kích thích bao gồm histamine, methacholine hít, vận động mạnh, tăng thông khí tự ý với CO2 máu bình thường hoặc mannitol hít.
  • Thử nghiệm mức độ dị ứng: Test lẩy da, hoặc làm định lượng nồng độ immunoglobulin E (IgE) đặc hiệu trong huyết thanh với các tác nhân dị ứng hô hấp thông thường, để xác định tình trạng quá mẫn với các dị nguyên này.
  • Đo nồng độ Oxit Nitric (NO) trong khí thở ra (Xét nghiệm FeNo).

6. Điều trị bệnh hen suyễn 

Không thể điều trị dứt điểm bệnh hen suyễn. Mục tiêu điều trị hen suyễn là ngăn ngừa đợt cấp diễn ra và kiểm soát triệu chứng khi lên cơn hen. Điều trị bao gồm:

  • Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm phổi, cúm.
  • Xác định yếu tố dị nguyên gây ra các đợt hen cấp, ví dụ như thay đổi thời tiết, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật,… Từ đó tìm cách tránh xa những yếu tố này.
  • Uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ phụ trách. 

Thuốc điều trị hen suyễn có 2 loại:

  • Thuốc kiểm soát bệnh lâu dài: Người bệnh phải sử dụng mỗi ngày, kể cả khi không có triệu chứng bệnh. Các thuốc kiểm soát lâu dài hay được sử dụng bao gồm: Rhinocort, Singulair (montelukast), Pulmicort,…
  • Thuốc tác động tức thời: Được sử dụng khi bệnh nhân lên cơn hen cấp tính. Các thuốc hay được sử dụng bao gồm: Ventolin, ProAir HFA,…
Điều trị hen suyễn chủ yếu sử dụng thuốc
Điều trị hen suyễn chủ yếu sử dụng thuốc

Bên cạnh đó trong quá trình điều trị người bệnh hen suyễn nên nắm được các kỹ năng cơ bản trong quản lý hen như:

  • Trang bị các kiến thức về hen.
  • Nắm vững các kỹ thuật khi sử dụng dùng thuốc dạng phun, hít.
  • Điều trị bệnh hen theo đúng theo phác đồ bác sĩ phụ trách đề ra.
  • Theo dõi thường xuyên các biểu hiện và mức độ khi lên cơn hen.
  • Tái khám theo lịch của bác sĩ để kiểm soát bệnh.

7. Chăm sóc và phòng ngừa bệnh hen suyễn

Đây là những bước rất quan trọng trong việc giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh.

7.1. Chăm sóc người bệnh hen suyễn

Hen suyễn là bệnh lý mãn tính, chăm sóc đúng cách sẽ giúp bệnh ít tái phát hơn. Các bước chăm sóc bệnh nhân hen, bao gồm:

Cải thiện tắc nghẽn đường thở, tăng khả năng hô hấp cho bệnh nhân 

  • Đặt bệnh nhân nằm trong tư thế đầu cao để giúp họ dễ thở hơn.
  • Phòng ở thông thoáng.
  • Cho bệnh nhân uống nhiều nước. Kết hợp vỗ rung lồng ngực, sau đó thở sâu. Nếu bệnh nhân nhiều đờm hãy hút đờm ra để làm sạch phế quản. 
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ phụ trách khi sử dụng các thuốc điều trị hen phế quản cấp như các corticoid, thuốc giãn phế quản.
  • Nếu bệnh nhân cần thở oxy thì phải theo chỉ định của bác sĩ phụ trách.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần, cũng như dinh dưỡng cho người bệnh 

  • Chế độ ăn uống khoa học: Bổ sung nhiều rau xanh, tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng, đồ cay nóng kích ứng cơn hen, chất béo,... 
  • Không cho người bệnh sử dụng các chất kích thích, thuốc lá, rượu bia.
  • Động viên người bệnh hen suyễn để họ giữ tinh thần ổn định, thoải mái. 
  • Không để người bệnh làm các công việc nặng nhọc, tránh stress. 

Theo dõi các dấu hiệu và mức độ khi bệnh nhân lên cơn hen

  • Tần số, mức độ khó thở của bệnh nhân.
  • Thời gian kéo dài của một cơn hen là bao nhiêu lâu, phải có con số cụ thể.
  • Triệu chứng tím tái khi bệnh nhân xuất hiện cơn hen.
  • Số lượng, màu sắc của đờm nhầy. 
  • Nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể người bệnh.
  • Trạng thái tinh thần của bệnh nhân.

7.2. Phòng ngừa bệnh hen suyễn

Để không tái phát cơn hen, và phòng ngừa tối đa khả năng mắc bệnh hen suyễn chúng ta cần thực hiện những điều sau:

  • Cai thuốc lá, cũng như tránh hít khói thuốc lá thụ động.
  • Tập luyện thể lực nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể. 
  • Tránh sử dụng các loại thuốc có thể khiến bệnh hen nặng lên như thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chẹn beta.
  • Chế độ ăn uống phù hợp: Ăn nhiều rau và trái cây tươi, tránh các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng.
  • Phòng ô nhiễm không khí trong nhà: Không đun củi, than, rơm rạ, trong nhà, nếu đun thì phải có ống khói ra ngoài. 
  • Tránh hít phải không khí ô nhiễm bên ngoài: Hạn chế tới nơi có không khí ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất hoặc phải đeo khẩu trang phòng bụi khi tới những nơi này.
  • Hạn chế tới nơi đông người khi có đợt bùng phát virus gây bệnh đường hô hấp. 
  • Giữ cảm xúc luôn cân bằng: Bằng cách tập thư giãn hoặc hít thở. 
  • Tiêm vắc xin phòng cúm mỗi năm một lần giúp giảm các cơn hen cấp tính.
Cai thuốc lá
Cai thuốc lá

Hen suyễn là bệnh lý hô hấp mãn tính khá phổ biến. Nắm được những kiến thức cơ bản về bệnh sẽ giúp bạn đỡ lúng túng khi gặp trường hợp này. Nếu thấy bài viết hay, bạn đừng quên like và chia sẻ để nhiều người được biết. 

Mọi câu hỏi của bạn liên quan đến các sản phẩm của Thiên Tri vui lòng gọi điện đến hotline 0867 995 518 để được tư vấn ngay.

Xếp hạng: 5 (3 bình chọn)
  • Dược sĩ Đại học Lê Hạnh
  • Dược sĩ Đại học Lê Hạnh

    Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Hạnh chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh về tóc và da đầu. Đảm bảo đưa tin chính xác nhanh chóng và kịp thời cũng như giải quyết khó khăn của người bệnh.

     

Bài viết khác

Các tiêu chí lựa chọn siro ho cho bé
Lựa chọn loại siro an toàn, hiệu quả tốt giúp trẻ giảm ngay triệu chứng ho. Tìm hiểu thêm>>
Tất tật những điều bạn nên biết về bệnh Lao màng phổi
Lao màng phổi là một trong những bệnh lao ngoài phổi nguy hiểm. Tìm hiểu thêm>>>
Phác đồ điều trị lao hiệu quả nhất hiện nay
Cần điều trị bệnh kịp thời để bệnh không tiến triển nặng hơn và tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng lao phổi thường gặp
Triệu chứng của lao phổi có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác.
Những điều bạn cần biết về bệnh lao phổi
Lao phổi là một trong những tình trạng bệnh lao thường gặp nhất.

Bình luận

Kết nối với Thiên Tri

Thiên Tri sẵn sàng tiếp nhận mọi yêu cầu tư vấn, xin hãy vui lòng liên hệ với chúng tôi