Bệnh gàu - Tất tần tật những điều bạn nên biết
Gàu là tình trạng phổ biến mà ai cũng có thể gặp. Vậy gàu là bệnh gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào?... Hãy để Thiên Tri giải đáp tất cả các thắc mắc của bạn trong bài viết này nhé!
1. Gàu là bệnh gì?
Gàu bệnh lý (Dandruff) là bệnh mãn tính về da chủ yếu ảnh hưởng lên da đầu, biểu hiện của bệnh có thể từ mức độ nhẹ đến nặng: xuất hiện những vảy trắng, vàng nhạt lấm tấm hoặc tạo thành gàu từng mảng trên da đầu và tóc.
Cả nam nữ ở mọi độ tuổi đều có thể mắc tình trạng này, phổ biến hơn từ lứa tuổi thanh thiếu niên cho đến tuổi trung niên.
Theo sinh lý, lớp da đầu bên ngoài sẽ chết đi, bong tróc tạo thành một số mảng nhỏ li ti sau khoảng một tháng nhường chỗ cho các tế bào da mới hình thành và phát triển.
Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh gàu thì khoảng thời gian này rút ngắn chỉ khoảng 2 - 3 tuần, tế bào mới sản sinh nhanh chóng, tế bào chết bong tróc tạo những vảy vướng trên tóc hoặc dính trên vai áo, có thể kèm theo ngứa ngáy khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp.
2. Triệu chứng bệnh gàu
Nếu da đầu của bạn khô và bong tróc bạn có thể nghi ngờ gàu. Tuy nhiên, nó có thể là dấu hiệu của khô da đầu. Gàu và khô da đầu có các dấu hiệu giống nhau là bong tróc vảy và ngứa da đầu nhưng đây lại là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau.
Cách để phân biệt giữa da đầu khô và vảy gầu là dựa vào hình dạng của chúng.
- Vảy gàu thường lớn hơn (gàu mảng, gàu ống) và hơi bóng dầu gây ngứa da đầu, da đầu nhờn, đỏ và có vảy
- Da đầu khô: vảy nhỏ hơn, khô và cũng gây ngứa da đầu, khi bị da đầu khô thì các vùng da khác trên cơ thể cũng có dấu hiệu khô.
Gàu tóc còn gọi là bệnh “cứt trâu” ở trẻ nhỏ (cách gọi dân gian). “Cứt trâu” thường xuất hiện trong vòng 2 tháng sau sinh, thường có màu nâu hoặc vàng, nhờn, có thể gây ngứa và kéo dài vài tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, tình trạng này không nguy hiểm và thường tự hết khi trẻ được 8 - 12 tháng tuổi.
Với những triệu chứng dễ quan sát, bạn có thể xác định mình có đang bị gàu hay không. Đây không phải là bệnh nghiêm trọng nên bạn có thể tự tìm cách khắc phục bằng dầu gội phù hợp hoặc các phương pháp khác.
Nhưng nếu bạn đã dùng thử dầu gội trị gàu trong ít nhất một tháng mà vẫn bị gàu nặng, không thuyên giảm kèm theo các dấu hiệu sau:
- Da đầu đỏ, đau hoặc sưng lên.
- Tóc rụng nhiều.
- Khó chịu và ngứa tăng lên.
- Xuất hiện mẩn đỏ và vảy ở các bộ phận khác.
Hãy gặp bác sĩ da liễu, rất có thể bạn đang bị viêm da tiết bã hoặc một tình trạng da khác cần được điều trị.
Đối với trẻ nhỏ, nếu có những dấu hiệu sau, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ:
- Nứt da đầu.
- Nhiễm trùng.
- Ngứa.
- Chảy máu.
- Sưng tấy.
- Có dấu hiệu lan ra các bộ phận khác của cơ thể.
3. Nguyên nhân gây bệnh gàu
Viêm da tiết bã (kích thích da nhờn) là nguyên nhân gây gàu chính. Viêm da tiết bã khiến da trở nên nhờn, đỏ và có vảy trắng hoặc vàng bong ra tạo thành gàu. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào có tuyến dầu (lông mày, nách, bẹn, dọc 2 bên mũi, ngực).
Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:
- Nấm malassezia
- Không gội đầu thường xuyên
- Sản phẩm chăm sóc tóc
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển gàu bao gồm:
- Tuổi tác
- Nội tiết
- Thời tiết khắc nghiệt
- Stress, mệt mỏi
- Người mắc các vấn đề về da như mụn trứng cá, vảy nến, chàm
- Parkinson, HIV hoặc các bệnh gây suy giảm miễn dịch khác
- Chế độ ăn
- Thói quen
- Đội mũ bảo hiểm bẩn
4. Các phương pháp điều trị bệnh gàu
Gàu là một bệnh mãn tính và không thể chữa khỏi được. Tuy nhiên, có một số phương pháp giúp kiểm soát các triệu chứng trong thời gian dài như:
- Sử dụng dầu gội trị gàu.
- Sử dụng thảo dược thiên nhiên.
- Trường hợp gàu nhẹ, hãy gội đầu mỗi ngày với dầu gội nhẹ nhàng để giảm bớt lượng dầu trên da đầu.
- Nếu tình trạng nặng hơn, dầu gội thường không có tác dụng hãy sử dụng dầu gội trị gàu.
Bạn có thể mua ở nhà thuốc hoặc bác sĩ kê đơn. Giàu gội trị gàu thường chứa các hoạt chất có tác dụng tiêu diệt nấm hoặc loại bỏ lớp da bong tróc như:
- Ketoconazole: chống nấm gây ra gàu.
- Acid salicylic: loại bỏ các lớp vảy thừa trên da đầu trước khi nó bong ra. Tuy nhiên hoạt chất này cũng có thể gây khô da và gây bong tróc nhiều hơn.
- Kẽm pyrithione: dược chất có tác dụng chống nấm, dầu gội chứa kẽm pyrithione có tính chất dịu nhẹ nên có thể sử dụng hàng ngày.
- Selenium sulfide: giúp kiểm soát gàu bằng cách giảm sản xuất dầu tự nhiên ở các tuyến da đầu. Bên cạnh đó nó còn có tác dụng chống nấm.
- Tar (Nhựa than đá): chứa chất chống nấm tự nhiên và làm giảm sản sinh tế bào da chết. Tuy nhiên nếu sử dụng lâu dài, nhựa than đá có thể gây thay đổi màu tóc và làm tăng độ nhạy cảm của da đầu với ánh nắng. Nhựa than đá cũng có thể gây ung thư ở liều lượng cao.
Bạn có thể sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược để điều trị thay thế cho loại dầu gội chứa các hoạt chất trên:
- Dầu gội chứa tinh dầu trà: theo nghiên cứu, tinh dầu trà là thành phần tự nhiên có tác dụng kháng nấm. Dầu gội có chứa 5% tinh dầu trà làm giảm bong tróc vảy, giảm ngứa ngáy mà không gây ra tác dụng phụ.
- Dầu gội đầu chứa 2% sả cũng giúp chống nấm, giảm nhẹ tình trạng bệnh.
Một lưu ý nhỏ nữa là bạn cần đọc kỹ và làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất khi bạn sử dụng bất cứ loại dầu gội nào. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đang băn khoăn không biết sử dụng sản phẩm nào và liều lượng sử dụng bao nhiêu.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo hỗ trợ điều trị gàu từ các nguyên liệu dễ kiếm sau. Chúng có thể sẽ hữu ích trong việc chống lại vi khuẩn hoặc nấm:
- Dầu dừa: Xoa 3 - 5 thìa cà phê dầu dừa lên da đầu, đợi 1 tiếng sau đó gội đầu.
- Lô hội (Nha đam): Xoa một chút lô hội vào da đầu ngay trước khi gội đầu có thể giúp giảm ngứa và tróc vảy.
- Nước chanh: Dùng 2 thìa cà phê nước cốt chanh xoa lên da đầu, mát xa khoảng 10 phút. Phần nước cốt chanh còn lại pha với 200mL nước ấm đổ đều lên da đầu, giữ 2 – 3 phút sau đó xả lại thật sạch với nước.
- Giấm táo: Trộn ¼ cốc giấm táo với lượng nước tương đương sau đó đổ lên da đầu. Giữ trong vòng 15 - 20 phút sau đó gội sạch.
- Aspirin: Nghiền 2 viên Aspirin trộn với dầu gội sau đó gội đầu, giữ trong 2 phút rồi gội sạch với nước.
- Baking soda: Làm ướt tóc, xoa baking soda lên da đầu và gội sạch sau vài phút.
- Dầu oliu: Nhỏ vài giọt dầu oliu vào da đầu, dùng mũ tắm ủ qua đêm, gội sạch đầu vào sáng hôm sau.
5. Các biện pháp phòng ngừa và khắc phục bệnh gàu
Nhiều gàu không quá nghiêm trọng tuy nhiên nó lại gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và tinh thần của chúng ta. Sau đây, Thiên Tri xin giới thiệu với các bạn một số mẹo hay để ngăn ngừa và khắc phục này.
Nếu bạn đang bị gàu hãy gội đầu bằng sản phẩm và dầu gội trị gàu thường xuyên, đảm bảo sử dụng theo đúng hướng dẫn nhé.
Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc có chứa hoạt chất mạnh như thuốc tẩy, cồn,... Những thành phần này thường gây khô và kích ứng da đầu. Ngoài ra, không nên sử dụng các sản phẩm tóc chứa nhiều dầu có thể làm tăng tích tụ trên da đầu bạn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng dành một ít thời gian phơi nắng mỗi ngày có thể giúp bạn kiểm soát gàu. Ánh nắng mặt trời giúp ngăn chặn sự phát triển của vi nấm và viêm tiết bã nhờn. Tuy nhiên, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều vì đó là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư da.
Hãy thư giãn, giữ tình thần thoải mái, kiểm soát căng thẳng bằng yoga, thiền và những biện pháp khác để giảm nguy cơ bị gàu.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh gàu mà Thiên Tri muốn chia sẻ với bạn đọc. Tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại gây cho chúng ta không ít phiền toái, Thiên Tri hy vọng bài viết này sẽ mang đến những kiến thức hữu ích giúp bạn “đánh bay” gàu, lấy lại tự tin nhé.
Mọi câu hỏi có liên quan đến Thiên Tri vui lòng gọi đến hotline 0867 955 518 để được tư vấn ngay trực tiếp.