Viêm amidan: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Viêm amidan là bệnh lý hô hấp hay gặp ở mọi lứa tuổi. Nếu không điều trị đúng cách người bệnh dễ gặp các biến chứng khó chịu. Vì vậy để hiểu hơn về căn bệnh phổ biến này mời bạn đọc tham khảo bài viết sau của chúng tôi.

Mục lục [ Ẩn ]
Viêm amidan
Viêm amidan

1. Viêm amidan là bệnh gì?

Amidan là tổ chức bạch huyết nằm ở ngã tư hầu họng chỗ giao điểm của đường ăn và đường thở. Chúng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đường hô hấp dưới. Cụ thể là ngăn chặn sự tấn công của virus, vi khuẩn, vi nấm,...

Viêm amidan xảy ra khi cơ quan này bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus xâm nhập. Tình trạng viêm có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào nhưng thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ vài tháng tuổi cho tới khi hệ miễn dịch của trẻ đã hoàn chỉnh.

Do nằm gần kề với cổ họng nên các triệu chứng của bệnh hay bị nhầm lẫn với viêm thanh quản và viêm họng. Phần lớn các trường hợp bị chứng bệnh này đều ở mức độ nhẹ và tự khỏi sau 7 - 10 ngày. 

2. Triệu chứng viêm amidan

Triệu chứng của bệnh phụ thuộc vào giai đoạn khởi phát bệnh: cấp tính và mãn tính. Để phân biệt bệnh, bạn có thể dựa vào một số triệu chứng sau:

2.1. Viêm amidan cấp tính

Viêm amidan cấp tính thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng nặng nề như:

  • Amidan đau nhức và sưng to
  • Sốt
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau cổ họng
  • Hôi miệng
  • Khó nuốt hoặc đau khi nhai nuốt
  • Mệt mỏi
  • Đau nhức tai
  • Khàn giọng, mất tiếng
  • Có thể xuất hiện mủ trắng hoặc vàng tại amidan.

Ngoài ra, viêm amidan ở trẻ em có thể gây ra một số triệu chứng khác như chảy nhiều nước dãi, chán ăn, trẻ khó chịu và thường xuyên quấy khóc.

Mặc dù có triệu chứng khởi phát đột ngột nhưng nếu được điều trị và chăm sóc tốt, viêm amidan cấp tính sẽ thuyên giảm hoàn toàn sau 7 - 10 ngày.

Bệnh nhân bị hôi miệng
Bệnh nhân bị hôi miệng

2.2. Viêm amidan mãn tính

Viêm amidan mãn tính hay gặp ở trẻ vị thành niên và người lớn, đặc biệt là những người có thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá hay người sinh sống trong môi trường bị ô nhiễm. 

Ở giai đoạn mãn tính, triệu chứng của bệnh hay khởi phát âm thầm nhưng dai dẳng. Các triệu chứng hay gặp khi bị viêm amidan mãn tính là:

  • Đau cổ họng
  • Hôi miệng kéo dài
  • Khàn tiếng
  • Khó nuốt
  • Mất giọng
  • Thấy vướng ở cổ họng
  • Khó thở
  • Ho khan
  • Với những trường hợp phì đại amidan có thể ngưng thở khi ngủ.

3. Nguyên nhân gây bệnh viêm amidan

Nguyên nhân trực tiếp gây viêm amidan là do sự xâm nhập của vi khuẩn và virus:

  • Những chủng virus hay gây viêm amidan gồm: Virus cúm, virus parainfluenza, adenovirus, virus herpes simplex, enteroviruses,…
  • Vi khuẩn: Chủ yếu là các liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus pyogenes/ Streptococcus nhóm A). So với virus, viêm amidan do vi khuẩn thường có mức độ nặng và bắt buộc phải điều trị chuyên sâu.

Bên cạnh nguyên nhân trực tiếp, viêm amidan có thể xảy ra khi gặp các yếu tố nguy cơ như:

  • Người vệ sinh răng miệng kém.
  • Mắc các bệnh hô hấp như bệnh cảm lạnh, viêm họng, cảm cúm, viêm thanh quản,…
  • Sinh sống ở những nơi có môi trường ô nhiễm.
  • Trẻ nhỏ do ở độ tuổi này amidan là cơ quan có vai trò miễn dịch chính.
  • Thời tiết thay đổi đột ngột.
  • Thường xuyên dùng thức ăn và đồ uống lạnh.
  • Tiếp xúc gần với người đang bị viêm nhiễm đường hô hấp.
  • Hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá thụ động.
Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn và virus
Nguyên nhân chủ yếu do vi khuẩn và virus

4. Biến chứng của viêm amidan

Hầu hết các trường hợp viêm amidan đều thuyên giảm nhanh khi được chăm sóc và điều trị hợp lý. Tuy nhiên nếu nhiễm trùng do nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A, bệnh có thể dẫn đến một số biến chứng sau:

  • Sốt thấp khớp
  • Viêm cầu thận
  • Viêm khớp
  • Viêm màng ngoài tim cấp
  • Viêm nội mạc tim

Ở những trường hợp mắc viêm amidan nhưng không được điều trị đúng cách, vết nhiễm trùng tại amidan có thể tái phát thường xuyên, dẫn đến viêm amidan mãn tính và có nguy cơ phát sinh các biến chứng sau:

  • Khó thở và ngưng thở khi ngủ: Xảy ra do viêm amidan kéo dài dẫn đến tình trạng phì đại amidan, gây chèn ép cổ họng và làm gián đoạn quá trình hô hấp.
  • Viêm mô tế bào amidan: Đây là tình trạng nhiễm trùng sâu ở các mô liên kết của amidan, do nhiễm trùng amidan không được kiểm soát kịp thời đã tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus xâm nhập sâu vào các mô bên trong.
  • Viêm các tổ chức kế cận amidan như: Viêm tai giữa, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản,...
  • Áp xe quanh amidan: Gây đau nhức amidan dữ dội và làm bùng phát các triệu chứng toàn thân. Nếu không khắc phục kịp thời, ổ áp xe tự vỡ gây phù nề thanh quản, áp xe thành họng thậm chí là nhiễm trùng máu.

5. Chẩn đoán và điều trị bệnh viêm amidan

Những tưởng viêm amidan là bệnh lý đơn giản nhưng chúng cũng gây biến chứng nghiêm trọng, có thể ảnh hưởng tới tính mạng. Do vậy chẩn đoán và chữa viêm amidan sớm là cần thiết.

5.1. Chẩn đoán viêm amidan

Để khẳng định chính xác các dấu hiệu là triệu chứng của bệnh viêm amidan, bác sĩ có thể tiến hành khám triệu chứng lâm sàng bằng mắt thường, kết hợp với hỏi thăm tiền sử bệnh của bệnh nhân để chẩn đoán viêm amidan.

Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nhanh để tìm liên cầu khuẩn streptococcus hoặc nuôi cấy bệnh phẩm khi quét nhẹ nhàng thành họng sau của bệnh nhân. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xét nghiệm máu để thấy chỉ số bạch cầu tăng cao nhưng phương pháp này ít khi được sử dụng.

5.2. Điều trị viêm amidan

Điều trị viêm amidan tập trung chủ yếu vào cải thiện triệu chứng và nâng cao thể trạng. Tuy nhiên nếu có nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ buộc phải kết hợp điều trị triệu chứng và sử dụng thuốc kháng sinh.

Trong trường hợp viêm amidan tái phát nhiều lần và/hoặc có dấu hiệu phì đại, cần cân nhắc phẫu thuật cắt amidan để cải thiện chức năng hô hấp, ngăn ngừa tái phát và dự phòng biến chứng.

Sử dụng thuốc

Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm tại amidan chủ yếu là các thuốc làm giảm triệu chứng và thuốc kháng sinh. Cụ thể:

  • Viên ngậm thảo dược để để giảm đau họng.
  • Thuốc giảm đau và hạ sốt
  • Kháng sinh trong trường hợp bị viêm amidan do tác nhân vi khuẩn.

Điều trị viêm amidan bằng phương pháp phẫu thuật cắt amidan

Tiến hành cắt amidan với các trường hợp:

  • Viêm amidan đã tái phát từ 5 – 7 lần/ năm.
  • Amidan phì đại.
  • Viêm amidan nhưng không đáp ứng với phương pháp điều trị bảo tồn.
  • Viêm amidan gây ra các biến chứng như khó thở, ngưng thở khi ngủ và áp xe quanh amidan.

Hiện nay, phẫu thuật cắt amidan sử dụng sóng siêu âm, nhiệt hoặc tia laser. Sau khi cắt, họng có thể bị đau, khó chịu hay chảy máu trong khoảng vài ngày đầu. Bệnh nhân thường xuyên trao đổi với bác sĩ phụ trách của mình.

Điều trị viêm amidan bằng phương pháp phẫu thuật cắt amidan
Điều trị viêm amidan bằng phương pháp phẫu thuật cắt amidan

6. Phòng ngừa viêm amidan

Để kiểm soát bệnh viêm amidan hiệu quả, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài và khi tới nơi đông người để tránh hít phải bụi, khói, mầm bệnh gây hại.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ và uống nhiều nước, có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp, nâng cao sức đề kháng.
  • Điều trị triệt để các bệnh đường hô hấp khác như viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản,...
  • Không được tự ý dừng thuốc.
  • Súc miệng bằng nước muối ấm vài lần mỗi ngày và vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí để không khí trong nhà bớt khô. Tuy nhiên cần vệ sinh máy thường xuyên để ngăn tình trạng nấm mốc phát triển.
  • Giữ vệ sinh thân thể, rửa tay với xà phòng mỗi khi đi ra ngoài về, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
  • Không hút thuốc lá, cũng như tránh hít phải khói thuốc lá thụ động.
  • Hạn chế tiếp xúc với những nơi tồn tại nhiều vi khuẩn như bệnh viện, người đang bị viêm hô hấp,...

7. Các câu hỏi thường gặp

Là một bệnh lý thường gặp, có rất nhiều câu hỏi liên quan tới viêm amidan.

Có nên ngậm nước muối khi bị viêm amidan?

Nhiều người cho rằng việc súc miệng bằng nước muối dễ gây rát và kích ứng hầu họng. Thực tế thì người bị viêm amidan hoàn toàn có thể sử dụng muối để súc miệng.

Bởi vì muối khử trùng tốt, có tính sát khuẩn cao sẽ giúp người bị viêm amidan đạt được những lợi ích sau:

  • Rút nước của vi khuẩn, virus từ đó giúp sát khuẩn và ngăn chặn sự sinh sôi và phát triển của chúng.
  • Giảm các vết viêm, phù nề, sưng tấy bằng cách hút nước từ các mô bị sưng.
  • Tăng tuần hoàn máu, phục hồi độ pH ở cổ họng.

Viêm amidan có lây không?

  • Viêm amidan xảy ra khi amidan bị nhiễm trùng, có thể do vi khuẩn hoặc virus.
  • Bệnh viêm amidan thì không lây lan. Tuy vậy, các vi khuẩn và virus gây bệnh lại có thể bắn từ người bệnh sang người bình thường thông qua giọt bắn khi nói chuyện hoặc khi ho, hắt hơi. Vì vậy, bạn cần ngăn chặn các tác nhân gây bệnh để từ đó hạn chế các bệnh do chúng gây ra.

Viêm amidan sốt mấy ngày?

  • Rất khó để có thể khẳng định chính xác khi bị viêm amidan bệnh nhân sẽ sốt mấy ngày. 
  • Theo thống kê của các bác sĩ thì trung bình bệnh nhân sẽ gây sốt từ 1- 4 ngày. Khoảng 70% người bệnh sẽ hết sốt trong khoảng từ 3 - 4 ngày nếu được điều trị đúng và kịp thời.
  • Ngược lại, nếu bệnh nhân không điều trị hoặc điều trị sai cách thì tình trạng viêm sẽ rất dễ tái phát, cơn sốt sẽ kéo dài hoặc tái lại nhiều lần. 
Sốt khi bị viêm amidan
Người bệnh có thể sốt khi bị viêm amidan

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất về bệnh viêm amidan. Nếu bạn thấy bài viết hay thì đừng quên like và chia sẻ bài viết để nhiều người cùng đọc nhé. Mọi câu hỏi của bạn liên quan đến các sản phẩm của Thiên Tri vui lòng gọi điện đến số điện thoại 0867 995 518  để được tư vấn ngay.

Xếp hạng: 5 (2 bình chọn)
  • Dược sĩ Đại học Lê Hạnh
  • Dược sĩ Đại học Lê Hạnh

    Với kinh nghiệm 3 năm làm việc trong lĩnh vực y tế sức khỏe, Dược sĩ Hạnh chịu trách nhiệm cập nhật thông tin, tin tức về các bệnh liên quan đến đường hô hấp, bệnh về tóc và da đầu. Đảm bảo đưa tin chính xác nhanh chóng và kịp thời cũng như giải quyết khó khăn của người bệnh.

     

Bài viết khác

Các tiêu chí lựa chọn siro ho cho bé
Lựa chọn loại siro an toàn, hiệu quả tốt giúp trẻ giảm ngay triệu chứng ho. Tìm hiểu thêm>>
Tất tật những điều bạn nên biết về bệnh Lao màng phổi
Lao màng phổi là một trong những bệnh lao ngoài phổi nguy hiểm. Tìm hiểu thêm>>>
Phác đồ điều trị lao hiệu quả nhất hiện nay
Cần điều trị bệnh kịp thời để bệnh không tiến triển nặng hơn và tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng lao phổi thường gặp
Triệu chứng của lao phổi có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác.
Những điều bạn cần biết về bệnh lao phổi
Lao phổi là một trong những tình trạng bệnh lao thường gặp nhất.

Bình luận

Kết nối với Thiên Tri

Thiên Tri sẵn sàng tiếp nhận mọi yêu cầu tư vấn, xin hãy vui lòng liên hệ với chúng tôi