Nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng và điều trị bệnh lao
Bệnh lao là một bệnh do vi trùng gây ra và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe của bệnh nhân. Vậy lao là bệnh gì, nguyên nhân, triệu chứng và các cách phòng bệnh, chữa bệnh lao như thế nào? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
1. Lao là bệnh gì?
Lao, hay còn gọi là TB là một bệnh lý được gây ra bởi các vi sinh vật rất nhỏ không nhìn được bằng mắt thường. Vi trùng gây ra bệnh lao là một vi sinh vật có hại, khi chúng thâm nhập vào cơ thể và phát triển thì có thể mắc bệnh lao. Vi trùng lao xâm nhập vào các cơ quan cụ thể của cơ thể và phát triển thì sẽ gây bệnh tại đó. Gồm các bộ phận như: phổi, hạch, xương thậm chí có thể ở não.
Hiện nay ở Việt Nam, bệnh lao vẫn là một bệnh lý nhiễm trùng có tỉ lệ mắc khá cao. Mỗi năm, theo thống kê, Việt Nam có khoảng 17.000 người tử vong do mắc bệnh và có khoảng 180.000 người mắc bệnh lao ở thể hoạt động trong đó tỉ lệ được chữa trị chỉ khoảng hơn 50% tổng số bệnh nhân.
Ở trẻ em, lao cũng không phải là một bệnh hiếm gặp. Tỷ lệ nhiễm lao ở trẻ em có thể chiếm tới 15% tổng số ca mắc mới theo thống kê của tổ chức y tế. Trẻ em có thể mắc các bệnh lao phổi, ở não… tương tự như người lớn nhưng phổ biến nhất vẫn là lao sơ nhiễm.
Tỉ lệ mắc lao ở trẻ em sẽ giảm dần khi độ tuổi tăng lên, đặc biệt là sau tiêm chủng vacxin và hệ miễn dịch cùng sức đề kháng của các bé được tăng cường hơn khi lớn lên.
Về phân loại bệnh lao, hiện nay có rất nhiều nhóm bệnh lao khác nhau theo các cách phân chia khác nhau.
Cách 1: Phân loại theo vị trí giải phẫu
- Lao phổi: Là bệnh lao tổn thương ở phổi - phế quản và bao gồm cả lao kê. Các trường hợp tổn thương phối hoặc ở phổi và cơ quan ngoài phổi thì được phân loại là lao phổi.
- Lao ngoài phổi: Là tình trạng bệnh lao tổn thương ở các cơ quan ngoài phổi gồm: lao màng phổi, hạch, xương, khớp, màng não, màng tim,... Nếu bị lao nhiều bộ phận, thì bộ phận có biểu hiện tổn thương nặng nhất sẽ được ghi là chẩn đoán chính.
Cách 2: Phân loại theo kết quả xét nghiệm nhuộm soi trực tiếp
- Lao phổi AFB(+)
- Lao phổi AFB (-)
Cách 3: Phân loại theo kết quả xét nghiệm vi khuẩn
- Người bệnh có bằng chứng vi khuẩn học: là trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với ít nhất một trong các loại xét nghiệm: nhuộm soi đờm trực tiếp; nuôi cấy hoặc xét nghiệm vi khuẩn lao đã được Tổ chức Y tế Thế giới chứng thực (như Xpert MTB/RIF).
- Người bệnh không có bằng chứng vi khuẩn học (chẩn đoán lâm sàng): là trường hợp người bệnh được chẩn đoán và điều trị bệnh lao bởi thầy thuốc lâm sàng mà không đáp ứng được tiêu chuẩn có bằng chứng vi khuẩn học. Gồm các trường hợp được chẩn đoán lao dựa vào hình ảnh X - quang bất thường nghi lao; triệu chứng lâm sàng, tiền sử hoặc các ca mắc lao ngoài phổi không tìm thấy vi khuẩn lao.
Cách 4: Phân loại người bệnh theo tiền sử điều trị lao
- Mới: Người bệnh chưa bao giờ sử dụng thuốc chống lao hoặc mới bắt đầu dùng thuốc dưới 1 tháng.
- Tái phát: Người bệnh đã từng được điều trị lao và được chẩn đoán là đã khỏi bệnh hoặc hoàn thành điều trị và nay bị mắc bệnh trở lại với kết quả AFB(+).
- Thất bại trong điều trị: Người bệnh được chẩn đoán AFB(+) từ tháng điều trị thứ 5 trở đi, phải thay đổi phác đồ điều trị. Người bệnh được chẩn đoán AFB(-) và sau 2 tháng điều trị thì xuất hiện AFB(+). Người bệnh lao ngoài phổi xuất hiện lao phổi AFB(+) sau 2 tháng điều trị. Người bệnh bị đa kháng thuốc được xác định trong bất kỳ một thời điểm nào đó khi điều trị với thuốc chống lao hàng thứ nhất.
- Điều trị lại sau bỏ trị: Người bệnh không dùng thuốc liên tục từ 2 tháng trở lên trong quá trình điều trị, sau đó quay trở lại điều trị với kết quả AFB(+).
Ngoài các cách phân loại trên thì bệnh lao còn được phân loại theo các cách sau:
Phân loại lao theo tình trạng nhiễm HIV
- Người bệnh lao/HIV(+):
- Người bệnh lao có kết quả xét nghiệm HIV(+).
- Người bệnh lao/HIV(-): Người bệnh lao có kết quả xét nghiệm HIV(-)
- Người bệnh lao không xác định rõ tình trạng HIV
Phân loại lao dựa trên tình trạng kháng thuốc
- Kháng đơn thuốc
- Kháng nhiều thuốc
- Đa kháng thuốc
2. Triệu chứng bệnh lao
Như vậy, những người mắc bệnh lao có triệu chứng như thế nào?
Nếu vi trùng lao xâm nhập vào cơ thể và bệnh nhân mới chỉ mắc ở giai đoạn ủ bệnh hay nhiễm vi trùng lao thể không hoạt động thì có thể thấy cơ thể hoàn toàn bình thường và không có xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào. Bệnh ở giai đoạn này cũng không lây lan sang cho người khác,
Tuy nhiên, sau khi bệnh phát triển thì cơ thể bệnh nhân sẽ có những biểu hiện cụ thể và rõ ràng hơn. Triệu chứng của bệnh sẽ phụ thuộc khá nhiều vào vị trí vi khuẩn lao hoạt động và phát triển trong cơ thể người bệnh.
Vi khuẩn lao phát triển nhiều nhất ở phổi và gây ra các triệu chứng liên quan nhiều đến vấn đề hô hấp như:
- Ho kéo dài dai dẳng trên 3 tuần đến nhiều tháng.
- Ngực có dấu hiệu bị chèn ép và đau tức.
- Có thể có hiện tượng ho ra máu hoặc đờm có máu.
Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng khác như:
- Giảm sút cân nặng cơ thể.
- Chán ăn, khó tiêu, nôn và buồn nôn.
- Sốt, ớn lạnh kéo dài.
- Ra nhiều mồ hôi, nhất vào buổi đêm.
Vi khuẩn lao xâm nhập tại các vị trí khác nhau ở các cơ quan bộ phận khác nhau trên cơ thể có thể bị ảnh hưởng bởi khu vực đó. Do vậy, nếu bạn nhận thấy cơ thể có xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào liên quan thì nên mau chóng đi khám để tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán chính xác hơn.
3. Nguyên nhân gây bệnh lao
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lao chính là do vi trùng lao (tên tiếng Anh là Mycobacterium Tuberculosis (MTB)). Vi khuẩn lao có thể lây lan từ người này qua người khác thông qua các giọt bắn cực nhỏ, được phát tán trong không khí. Chính vì vậy mà tỷ lệ lây nhiễm bệnh lao trong quá khứ (khi chưa có vacxin phòng bệnh) là rất nhanh.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, vi khuẩn lao MTB không hoạt ngay lập tức mà nó sẽ tồn tại trong cơ thể ở trạng thái không hoạt động (hay còn được gọi là trạng thái ngủ). Giai đoạn này chính là giai đoạn ủ bệnh.
Trong giai đoạn vi khuẩn lao xâm nhập vào và tồn tại ở trạng thái không hoạt động này thì người nhiễm lao thường không hề có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Một đặc điểm khác của giai đoạn ủ bệnh lao là bệnh không lây lan được. Nếu được phát hiện nhiễm lao giai đoạn ủ bệnh sớm thì có thể áp dụng các phác đồ điều trị họa quả để kịp thời giảm nguy cơ mắc bệnh lao thể hoạt động.
Theo các nghiên cứu trên thế giới, trung bình cứ 10 người bị nhiễm vi khuẩn lao MTB thì có một người phát triển từ thể ngủ thành thể hoạt động. Tức là nhiễm bệnh lao và có các triệu chứng đặc trưng của bệnh được biểu hiện ra ngoài.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn lao thường không hoạt động ngay mà sẽ chờ đợi đến khi hệ miễn dịch của cơ thể yếu đi, khi đó khả năng chống lại bệnh thường rất yếu.
Chính vì vậy mà ở những người mắc bệnh về miễn dịch hay người nhiễm HIV hoặc người già thì khả năng mắc bệnh lao cũng cao hơn so với người bình thường. Bởi vì những đối tượng này có hệ thống miễn dịch yếu, không đủ khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của vi khuẩn lao MTB.
Bên cạnh đó có một số nguy cơ khiến cho vi khuẩn lao từ trạng thái ngủ gây bệnh lao cho cơ thể.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu
- Khu vực sống và làm việc có tỉ lệ người mắc bệnh lao cao: Nếu bạn làm việc trong các môi trường như bệnh viện, phòng khám, trạm y tế thì có thể được coi là tỉ lệ phơi/ nhiễm với tác nhân gây bệnh cao hơn bình thường.
- Nghèo đói: Khi bạn trong tình trạng nghèo đói thì không có đủ điều kiện để chăm sóc sức khỏe y tế cho bản thân dẫn đến sức đề kháng và hệ miễn dịch bị suy yếu, không có khả năng chiến đấu lại với vi khuẩn lao.
- Lạm dụng chất kích thích: Việc lạm dụng ma túy, rượu bia và thuốc lá cùng các chất kích thích khác cũng làm cho hệ thống miễn dịch suy yếu và khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm bệnh lao.
4. Phòng bệnh lao
Bệnh lao là một trong những bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm, vì vậy chúng ta cần phải trang bị cho bản thân mình những kiến thức để có thể tự phòng tránh bệnh một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh lao
- Hạn chế tối đa sự tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm lao nhất có thể. Với các trường hợp không thể hạn chế (bác sĩ, làm việc tại bệnh viện,...) thì nên sử dụng khẩu trang chất lượng tốt và khử trùng tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc và chăm sóc bệnh nhân.
Tăng cường sức khỏe miễn dịch của cơ thể
- Đây có thể coi là biện pháp quan trọng nhất trong việc giúp cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn lao.
- Bạn có thể tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tăng cường các chất chống oxy hóa, tăng khẩu phần rau quả trong mỗi bữa ăn.
Duy trì khẩu phần ăn giàu protein
- Protein có tác dụng tái tạo tế bào và hình thành tế bào cơ thể. Việc nạp đủ protein cũng là cách để giúp cơ thể khỏe mạnh và cải thiện đáng kể hệ miễn dịch của chúng ta.
Duy trì bữa ăn lành mạnh và đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng là chìa khóa để nâng cao sức đề kháng và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Khi bạn đảm bảo nguồn cung cấp đầy đủ thì cơ thể sẽ có khả năng chống lại các tác nhân gây hại, bao gồm cả vi khuẩn lao.
Tập thể dục thể thao thường xuyên
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Giữ cho tâm trạng vui vẻ, tránh căng thẳng và duy trì chất lượng giấc ngủ
5. Biến chứng của bệnh lao
Lao là một trong các căn bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm với các biến chứng sẽ phụ thuộc vào vị trí mà vi khuẩn lao xâm nhập vào.
Sau đây là một số các biến chứng thường gặp:
- Xương bị biến dạng: gù xương, xẹp đốt sống, chèn ép tủy sống.
- Lao lan rộng: Vi khuẩn lao theo máu đến các cơ quan khác như màng não, phổi, hạch,...
- Liệt cơ: do áp xe chèn vào tủy sống.
- Tổn thương vĩnh viễn phần xương khớp bị lao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.
- Mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa và chán ăn, khó tiêu.
- Mất cảm giác với dịch não tủy bất thường, ngủ gà, cơ thể uể oải.
- Khó thở, tụt huyết áp.
- Da bị viêm và dị ứng.
- Vàng da, tắc nghẽn mật.
6. Khám, chẩn đoán bệnh lao
Bệnh lao có thể được khám và chẩn đoán dựa trên các phương pháp chẩn đoán bệnh sau:
- Cận lâm sàng: Nuôi cấy để tìm ra vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm của người có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm lao (dịch não tủy, đờm, dịch phế quản, dịch dạ dày,...)
- Lâm sàng: Thăm khám các bệnh nhân có các triệu chứng của bệnh lao phổi.
Các kỹ thuật hỗ trợ quá trình khám và chẩn đoán được sử dụng như chụp X - quang, siêu âm, sinh thiết, xét nghiệm vi khuẩn học.
- Vi khuẩn học: Lấy mẫu bệnh phẩm để soi trực tiếp phát hiện vi khuẩn lao hoặc cấy đờm hoặc là xét nghiệm ứng dụng công nghệ phân tử. Tùy từng điều kiện của cơ sở khám chữa bệnh mà có thể áp dụng kỹ thuật xét nghiệm khác nhau.
- X - quang: Dựa vào hình ảnh chụp tại mỗi cơ quan, bộ phận có triệu chứng của bệnh để chẩn đoán.
7. Điều trị bệnh lao
Nguyên tắc điều trị:
- Nhân viên y tế tham gia điều trị lao phải được tập huấn theo chương trình của Bộ Y tế.
- Điều trị sớm và kịp thời ngay khi phát hiện lao.
- Tuân thủ phác đồ điều trị theo chương trình đã được tập huấn.
- Quá trình điều trị phải được theo dõi và đánh giá.
Các thuốc chống lao:
- Thuốc chống lao hàng thiết yếu: Isoniazid (H), Rifampicin (R), Pyrazinamid (Z), Streptomycin (S), Ethambutol (E), Rifabutin (Rfb) và Rifapentine (Rpt).
- Thuốc chống lao hàng 2: Kanamycin (Km); Amikacin (Am); Capreomycin (Cm), Levofloxacin (Lfx); Moxifloxacin (Mfx); Gatifloxacin (Gfx); Ciprofloxacin (Cfx); Ofloxacin (Ofx), Ethionamide (Eto); Prothionamide (Pto); Cycloserine (Cs); Terizidone (Trd); Para - aminosalicylic acid (PAS); Para - aminosalicylate sodium (PAS - Na),...
Điều trị bằng Đông y:
Theo Đông y, nguyên nhân bị mắc bệnh lao là do phế âm hư, phế thận âm hư hoặc tỳ phế âm hư. Chính vì vậy mà có các bài thuốc chữa lao theo y học cổ truyền nhằm loại bỏ các nguyên nhân trên.
- Bài thuốc đông y chữa lao do phế âm hư: mạch môn (12g), sinh địa (12g), sa sâm (12g), huyền sâm (12g), thiên môn (8g), bách bộ (6g), a giao (8g).
- Bài thuốc đông y chữa lao do phế thận âm hư: sa sâm (12g), sinh địa (12g), mạch môn đều (12g), huyền sâm (18g), địa cốt bì (18g), bách bộ (18g), xạ can (6g), hạ khô thảo (16g).
8. Lưu ý khi điều trị và chăm sóc người bệnh lao
Trong quá trình điều trị người bệnh và người thân bệnh nhân cần lưu ý một số điểm sau:
Dự phòng lây nhiễm tại gia đình: người bệnh cần đeo khẩu trang chất lượng hoặc sử dụng khăn để che chắn khi nói chuyện ở khoảng cách gần. Không khạc, nhổ đờm dịch bừa bãi. Môi trường và không gian sống cần thông thoáng, sạch sẽ.
Xây dựng chế độ ăn uống và dinh dưỡng phù hợp:
- Người bệnh nên ăn thịt bò, cá biển, gan, hạt bí ngô và các loại ngũ cốc để bổ sung kẽm.
- Cung cấp đủ các loại rau củ quả trong khẩu phần ăn để nạp đủ các vitamin cần thiết nhằm nâng cao sức đề kháng và miễn dịch của cơ thể.
- Nên thay đổi món ăn thường xuyên. Việc đa dạng món ăn để họ có thể lựa chọn và cải thiện được khẩu vị.
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm khá nguy hiểm và dễ lây lan. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm (đặc biệt là khi vi khuẩn ở thể ngủ) thì khả năng điều trị khỏi bệnh khôi phục thể trạng cơ thể càng dễ dàng hơn.
Trên đây là các thông tin về bệnh lao mà chúng tôi đã tìm hiểu được, hy vọng qua bài viết này bạn đọc đã có cho mình thêm những thông tin hữu ích về căn bệnh này. Hãy like và chia sẻ bài viết cho mọi người xung quanh bạn cùng tìm hiểu nhé.
Mọi câu hỏi của bạn liên quan đến các sản phẩm của Thiên Tri vui lòng gọi điện đến hotline 0867 995 518 để được tư vấn ngay.